Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Tuyên truyền và phổ biến pháp luật

Các hoạt động thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam của phường Hàng Buồm.
10/08/2023 | 08:26  | View Count: 144

Nhân kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2023), Đoàn Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ quận và Đảng ủy - UBND - Ủy ban MTTQ phường Hàng Buồm và Phúc Tân đã đến thăm, tặng quà anh Nguyễn Mạnh Cường - Hội viên Chi hội Nạn nhân chất độc da cam phường Hàng Buồm hiện đang cư trú trên địa bàn phường Phúc Tân.

Trong nhiều năm qua, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của đồng bào ta ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, góp phần giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, xoa dịu nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam các cấp đã phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân” và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam.

Anh Nguyễn Mạnh Cường sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú tại 18 Hàng Buồm, nhiễm di chứng da cam từ người bố trở về sau chiến tranh, hiện nay anh chỉ còn sống một mình sau khi bố và anh trai qua đời, với ý chí và nghị lực mạnh mẽ, phi thường, không chấp nhận hoàn cảnh nghiệt ngã, vượt qua khó khăn, không ỷ lại và không nản chí, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng..., hàng ngày anh Cường vấn tự mình đạp xe lứa các phố phường bán đồ lặt vặt kiếm sống, tự mình sinh hoạt, trở thành tấm gương sáng trong xã hội.

Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 1/4 diện tích miền nam Việt Nam, gây hậu quả nặng nề, lâu dài đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Những năm qua, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tháng 6/2011, đã lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội là sự động viên, cổ vũ to lớn để các nạn nhân vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, do Trung ương Hội phát động tháng 2/2007, được các cấp hội và đông đảo cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng, triển khai sâu rộng, đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực, toàn diện.

Với tinh thần “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đặc biệt là vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để nhìn lại thảm họa da cam do chất độc hóa học gây ra, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; quan tâm thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực vận động nguồn lực ở trong và ngoài nước để khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người.

 

thăm dò dư luận thăm dò dư luận

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?