Lễ hội truyền thống Lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống phường Hàng Buồm

Đền Bạch Mã trấn giữ phía đông thành Thăng Long, thờ thần Long Đỗ, người đã có công giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Đại La.

       Đền Bạch Mã trấn giữ phía đông thành Thăng Long, thờ thần Long Đỗ, người đã có công giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Đại La. Theo truyền thuyết và thần phả, vào năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long và muốn mở rộng thành Đại La. Vua cho đắp thành nhưng hễ đắp lên lại bị sụp đổ, liền cho người đi hỏi dân chúng trong vùng mới biết ở đất này có hiển linh từ trước. Vua bèn sai biện lễ cầu đảo.

      Đêm ấy, vua nằm mộng gặp thần Long Đỗ tới chúc mừng và dặn nhà vua rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp thành, tất sẽ thành công. Sau đó, vua nhìn thấy một con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất. Sáng hôm sau, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà xây thành, đắp lũy. Thành sau khi  xây xong rất chắc chắn, vững chãi. Biết ơn thần, nhà vua cho tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần là “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”.

      Ngoài ra, lễ hội đền Bạch Mã còn gắn với nghi lễ tiến Xuân Ngưu của đất Thăng Long văn vật. Vào dịp Đông chí (22/12 âm lịch), Toà Khâm Thiên giám tâu vua cho biết ngày lập xuân, dâng tượng thần Câu Mang (tượng Thần nông) và Xuân Ngưu (Thần Trâu). Hia tượng này được nhuộm màu ứng với ông thần năm đó tính theo ngũ hành âm dương. Bộ công đắp mẫu tượng người, tượng trâu y như thật, đàn tế dựng ở phường Đông Hà (phố Hàng Chiếu) nhằm hướng chính phía Đông của Kinh thành. Lễ tế vào đúng giờ Tý (nửa đêm). Năm 1048, vua Lý Thái Tông xuống chiếu định phép đả Xuân Ngưu. Vào tiết lập xuân, vua sai vị trưởng họ dùng roi đánh vào con trâu đất, sau đó các quan cài hoa lên mũ rồi cùng dự yến tiệc. Cũng vào dịp xuân, để khuyến khích nhà nông, vua sai quan Khâm Sai tới làm lễ ở Đàn Xã Tắc (nay thuộc phường Nam Đồng - quận Đống Đa) và cùng các quan tế Thần Nông ở đó rồi tự tay cày luống đất đầu tiên mở đầu cho năm mới để cầu mong cho mùa màng bội thu. Theo các cụ cao tuổi trong phố cho biết, hội đền có đám rước trên 500 người từ đền Bạch Mã qua Mã Mây rồi dừng ở đền Bà Kiệu (phố Đinh Tiên Hoàng), sau đó đi vòng quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm qua Hàng Đào, Hàng Buồm, trở về đền.

      Lễ hội đền Bạch Mã diễn ra trong hai ngày, từ ngày 12 đến 13 tháng Hai âm lịch hàng năm để tưởng nhớ đến công ơn của thần Long Đỗ với các hình thức sinh hoạt văn hoá được duy trì: hát chèo, ca trù, múa võ... nhân dân trong vùng và khách hành hương tới dự rất đông.

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?